American Psycho — Gã đàn ông Mỹ mắc kẹt trong nỗi ám ảnh và hoang tưởng của chính mình

American Psycho — Gã đàn ông Mỹ mắc kẹt trong nỗi ám ảnh và hoang tưởng của chính mình

American Psycho (2000) là một bộ phim kinh dị hài đen (dark humour) về một kẻ tâm thần hoang tưởng và giết người hàng loạt. Phim được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Bret Easton Ellis. Sau hai thập niên, American Psycho được xếp vào dòng “cult movie” — những bộ phim “thiêng” có thể tồn tại với thời gian.

Ngay từ khi mới xuất bản, tiểu thuyết đã được nhiều hãng phim và đạo diễn, diễn viên cạnh tranh ráo riết để chuyển thể thành điện ảnh. Đạo diễn Oliver Stone và diễn viên Leonardo DiCaprio từng là hai cái tên sáng giá cho dự án này, sau thành công vang dội của Titanic. Tuy nhiên, Leonardo đã quyết định rút lui, đồng nghĩa với việc Oliver Stone cũng không còn giữ vị trí đạo diễn. Johnny Depp cũng thiết tha với nhân vật điên loạn và biến thái này, nhưng vẫn trượt vai.

Cuối cùng, dự án được chốt lại với vai trò đồng biên kịch và đạo diễn Mary Harron — một nhà làm phim nữ Canada ít tên tuổi. Diễn viên chính thuộc về Christian Bale cùng dàn sao tên tuổi trong những vai phụ như Willem Dafoe, Jared Leto, hay Chloë Sevigny.

Christian Bale trong vai chính — Patrick Bateman | Nguồn: Lions Gate Films Columbia Pictures

Christian Bale trong vai chính — Patrick Bateman | Nguồn: Lions Gate Films Columbia Pictures

Bộ phim châm biếm về tính nam độc hại

American Psycho được khởi chiếu lần đầu tại liên hoan phim Sundance của Mỹ vào đầu năm 2000, và được trình chiếu rộng rãi vào tháng 4 cùng năm. Được sản xuất độc lập với kinh phí thấp, bộ phim vẫn thành công về mặt thương mại và tạo được tiếng vang trên các diễn đàn phê bình, báo chí.

Đặc biệt, màn diễn xuất của Christian Bale và phong cách đạo diễn của Mary Harron, người bằng góc nhìn nữ tính của mình đã biến bộ phim thành một tác phẩm sâu sắc phản biện xã hội và tính “lưỡng nghĩa”, nhất là ở đoạn kết. Với một đạo diễn nam tính như Oliver Stone, American Psycho có thể đã trở thành một bộ phim hình sự kinh dị về một kẻ giết người hàng loạt.

Nhưng với góc nhìn của Mary Harron, nó trở thành một bộ phim về tính nam độc hại (toxic masculinity), nơi những gã đàn ông tưởng chừng như có đủ mọi thứ lại là những kẻ ái kỷ, nhỏ nhen, luôn ghen tị với thành công của kẻ khác. Đó là những kẻ giàu có về vật chất nhưng bệnh hoạn về tinh thần, luôn bị ám ảnh bởi sự phù phiếm, hào nhoáng của bên ngoài và sợ kẻ khác đánh giá.

Ngay từ những cảnh đầu của bộ phim, Harron đã mô tả cuộc sống của Patrick Bateman (Christian Bale) — một doanh nhân trẻ thành đạt và giàu có. Xuất thân từ một gia đình danh giá ở phố Wall, cuộc sống của anh tràn ngập sự hào nhoáng và phù phiếm: những bộ suit may đo hàng hiệu, một căn hộ thượng lưu ở Manhattan và những nếp sống lành mạnh như tập thể dục và chăm sóc da.

Bateman thường xuất hiện ở các nhà hàng sang trọng cùng vị hôn thê Evelyn (Reese Witherspoon) và nhóm cộng sự nam giàu có, nông nổi — những kẻ mà anh thực chất rất căm ghét và đố kỵ. Để thể hiện sự “trên cơ” về mặt trí tuệ hay cảm thụ, anh thường thảo luận về bộ sưu tập âm nhạc của mình bằng cách lặp lại những phê bình mà anh đọc được trên báo.

Patrick Bateman sở hữu một cuộc sống hoàn hảo, nhưng sâu bên trong, anh là một kẻ cô độc, kiệt quệ về cảm xúc và không thể thấy hài lòng với những thứ mình có. Tính nam độc hại thể hiện rõ nhất qua phân cảnh nhóm doanh nhân lần lượt tung ra tấm danh thiếp cá nhân của mình. Họ so kè với nhau chất liệu, độ dày của giấy in, sự cao cấp thông qua độ hoàn thiện, dập nổi, dấu khắc và kiểu chữ.

Bateman bần thần trước tấm danh thiếp của Paul Allen. | Nguồn: Lions Gate Films Columbia Pictures

Bateman bần thần trước tấm danh thiếp của Paul Allen. | Nguồn: Lions Gate Films Columbia Pictures

Tất cả những điều phù phiếm và xa hoa ấy, liệu chỉ dừng lại ở những thứ mà họ muốn phô trương, hay còn là những thứ che lấp nỗi bất an về tâm thế đàn ông của mình?

Và khi cái tôi bị tổn thương nặng nề và sự ghen tị hoàn toàn chiếm lĩnh, Bateman trở thành một kẻ điên loạn, và bắt đầu giết người hàng loạt để có thể trút giận và thỏa mãn cảm giác không bị ràng buộc bởi những giới hạn của xã hội. Hành vi của anh càng lúc càng man rợ, tàn độc và bất chấp đó là ai, từ một người vô gia cư sống ngoài đường, những cô gái điếm bán phấn buôn hương cho đến Paul Allen (Jared Leto), người mà anh căm ghét nhất vì dám qua mặt anh trong màn so danh thiếp.

Song càng về cuối, những màn giết người man rợ của Bateman dường như không có thật mà chỉ là sự tưởng tượng của anh. Lối sống tiêu thụ điên rồ, cạnh tranh khốc liệt với kẻ khác đã dẫn anh đến những cơn thịnh nộ và mê sảng trong tâm tưởng.

Kẻ tâm thần mất kết nối với thực tại

Có rất nhiều chi tiết trong phim cho thấy Bateman đang tưởng tượng ra mọi thứ thay vì hành động. Nữ đạo diễn Harron đã hiện thực hóa những vụ giết người kinh hoàng đó bằng cách tả thực rất chi tiết, dù là trên phim.

Bateman sử dụng một khẩu súng lục để giết người với kỹ năng khó giải thích. Anh cho nổ một chiếc xe hơi mà không ai quan tâm. Anh quyết “đuổi cùng giết tận” cô gái điếm bằng cưa máy với tiếng gầm rú và la hét khắp chung cư, nhưng dường như không ai nghe thấy. Anh kéo xác của Paul Allen trong một cái túi, để lại những vệt máu trên sàn, nhưng tay bảo vệ tòa nhà không quan tâm và vệt máu cũng biến mất sau đó…

Cuộc gọi đầu thú của Bateman với luật sư của mình. | Nguồn: Lions Gate Films Columbia Pictures

Cuộc gọi đầu thú của Bateman với luật sư của mình. | Nguồn: Lions Gate Films Columbia Pictures

Đỉnh điểm của sự ảo giác đó là khi anh thú tội với luật sư về Paul Allen, nhưng ông năm lần bảy lượt cho rằng anh đang đùa, bởi “tôi mới ăn tối với anh ta hai lần ở London”… Phải chăng tất cả chỉ là suy diễn của Bateman? Anh đã trở thành một gã tâm thần phân liệt, bị mắc kẹt trong tính nam độc hại của chính mình?

Đến đây, có thể cảm nhận được rằng American Psycho không thực sự là một bộ phim kinh dị về giết người hàng loạt. Đó là một tác phẩm châm biếm văn hóa ‘yuppie’ rộ lên đầu thập niên 80 — thời kỳ bùng nổ kinh tế Mỹ. Văn hóa ‘yuppie’ mô tả những người trẻ thành đạt, tham vọng, sống vật chất và hay phô trương. Trong American Psycho, bộ phim tập trung khai thác văn hóa ‘yuppie’ bằng cách kết hợp giữa danh tính và khao khát được nổi bật trong một xã hội hời hợt, chỉ quan trọng vẻ bề ngoài.

Và kẻ đại diện xuất sắc cho văn hóa đó không ai khác là Patrick Bateman, một kẻ lệch lạc và luôn bị thổi phồng bởi cái tôi của mình. Sống quá lâu trong môi trường độc hại đó, anh đã trở thành một kẻ hoang tưởng mắc nhiều chứng bệnh tâm lý khác nhau, từ rối loạn nhân cách ái kỷ (narcissistic personality disorder), rối loạn nhân cách ranh giới (borderline personality disorder) và tất nhiên là tâm thần (psychopath). Khi sự điên loạn đạt đỉnh điểm, anh không còn phân biệt giữa thực tại và hư cấu nữa. Và chẳng ai quan tâm đến sự điên loạn đang nhảy múa trong đầu anh.

American Psycho phần nào đó lấy cảm hứng từ những nhân vật mắc các bệnh tâm thần tương tự như Psycho của Alfred Hitchcock và Taxi Driver của Martin Scorsese. Và dù không đạt đến đỉnh cao của sự mẫu mực như hai kiệt tác nói trên, đây vẫn là một trong những bộ phim xuất sắc lột tả bức chân dung sâu sắc và nhiều chiều về một kẻ cô đơn trong một thế giới cạnh tranh khốc liệt, rỗng tuếch và vô vị.

Màn trình diễn đỉnh cao của Christian Bale cũng là cột mốc để anh tiếp tục với những vai diễn mạnh mẽ về thể chất và phức tạp về tâm lý trong sự nghiệp điện ảnh của mình.

VGacy.com cung cấp các bài viết và góc nhìn về các chủ đề như lãnh đạo, quản lý, kinh doanh và các xu hướng mới trong ngành công nghiệp.

Vgacy Thoughts

VGacy.com cung cấp các bài viết và góc nhìn về các chủ đề như lãnh đạo, quản lý, kinh doanh và các xu hướng mới trong ngành công nghiệp.