Lời mở đầu
Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng đã từng nghe qua một cuốn tiểu thuyết có tên: “Rừng Nauy”, cùng với những lời nhấn mạnh rằng Rừng Nauy là một cuốn sách rất tiêu cực mà trong đó đầy ắp những bi ai, đau khổ, dằn vặt của tuổi trẻ. Thật vậy, trong xuyên suốt hơn 500 trang sách, với văn phong tối tăm của Haruki Murakami, cùng với những câu từ của dịch giả Trịnh Lữ, tôi phải khẳng định rằng để đọc được quyển tiểu thuyết này, chúng ta phải chuẩn bị tâm lý để có thể đón nhận những “cái chết” dồn dập. Tuy nhiên, Haruki Murakami đã từng nói: “Cái chết là có thực, nó không phải là đối nghịch của cuộc sống mà là một phần của cuộc sống.”, vậy cái chết có thực sự đáng sợ? Tại sao người trẻ lại chọn cái chết như một cách giải thoát? Hôm nay chúng ta cùng dành một ít thời gian để đi qua góc nhìn này nhé.
Khi “trưởng thành” là một thứ quá xa xỉ với người trẻ trong xã hội hiện nay.
Cái chết làm tôi tiếc nuối, và ám ảnh nhất trong quyển tiểu thuyết này đến từ Naoko. Khi đọc Rừng Nauy, chắc các bạn cũng như tôi, cũng cảm nhận được rằng vấn đề của cô gặp phải phức tạp không lường. Cô phải tự một mình đối mặt với những dằn vặt, đau khổ, và mất mát của bản thân. Cô khép mình trước những vòng xoáy của thời đại. Cô luôn sợ hãi khi phải tiếp xúc với người ngoài. Căn bệnh lớn nhất mà Naoko gặp phải đó là tâm bệnh, nhưng cô lại ngoan cố níu giữ những đau khổ ấy trong suốt một thời gian dài, cho đến khi nó bóp nghẹt chính bản thân cô, và khiến cô phải chọn con đường duy nhất dẫn tới sự giải thoát, đó là “tự tử”.
Về người bạn thân của Naoko, và Kizuki, cậu vốn là một chàng trai thân thiện, hiền lành, luôn được mọi người yêu quí. Nhưng đột nhiện sau một đêm bình thường như vốn thế, cậu lại chọn kết liễu đời mình với chẳng một lý do cụ thể. Tất cả những gì cậu để lại là nỗi ám ảnh, dằn mặt cho hai người bạn thân là Naoko và Toru. Naoko luôn nghĩ rằng chính căn tâm bệnh mà cô mang trong mình là một yếu tố góp phần dẫn đến kết cục của Kizuki, còn Toru luôn tổn thương và đỗ lỗi cho bản thân vì không thể cứu rỗi được người bạn thân của cậu, khi chính Toru là người cuối cùng bên cạnh Kizuki.
Cuối cùng là chị gái của Naoko, khác với những nhân vật khác, cô là một người con gái xinh đẹp, giỏi giang, có vị trí trong xã hội. Tuy nhiên có ai biết được để có thể “trưởng thành” được như vậy, cô đã phải trải qua những gì? Vì thế cô cũng đột ngột tìm đến cái chết như một cách để giải thoát cho một tâm hồn nặng nề, tổn thương mà hai từ “trưởng thành” đã mang lại.
Nếu chỉ được chọn hai từ để diễn tả nội tâm của ba nhân vật trên, tôi xin chọn hai từ “méo mó”. Vòng xoáy của thời đại, việc con người xung quanh họ sống quá vội vàng đã dẫn họ đến sự mâu thuẫn trong tâm thức, chông chênh. Nhưng họ lại không chấp nhận được cái thực tại méo mó ấy, nên cái chết chính là một liều thuốc để giúp họ có thể bình thản, rủ bỏ đi tất cả.
“Rừng Nauy” là một cuốn tiểu thuyết phản ảnh được hiện thực của xã hội Nhật bản nói riêng, và toàn thế giới nói chung, một xã hội với đầy những biến động kỳ lạ. Qua 500 trang sách, những cái chết nối tiếp với nhau như thể Haruki Murakami muốn nhấn mạnh quan điểm rằng, khi chúng ta đang sống, tức là chúng ta đang nuôi dưỡng cái chết, và cái chết chính là một phần của cuộc sống này. Hiểu được rằng mình sẽ chết vào một ngày nào đó sẽ mang lại một cuộc sống thứ hai cho chúng ta. Khi đọc quyển tiểu thuyết này, chúng ta phải tự ngẫm lại bản thân rằng đôi lúc chúng ta cũng có cảm giác mình cũng là một phần của Naoko, Kizuki, hay Toru, cũng bị nhào nặn và méo mó, cũng bị chính hai từ “trưởng thành” ép buộc chúng ta thay đổi. Có những người mạnh mẽ chấp nhận nó, nhưng có những người lại không thể, và chúng ta hãy nên cảm thương cho họ, chứ đừng quở trách những quyết định đó của họ.