- Cải thiện bản thân: 15 mẹo để trở thành phiên bản tốt nhất của bạn
- Tầm quan trọng của việc nghỉ ngơi và ở một mình
- Kỷ luật tự giác – chìa khóa thành công và hạnh phúc
- Chủ nghĩa tối giản – Cách đơn giản để bắt đầu
- Trì hoãn sự thoả mãn – Phẩm chất của người thành công
- Chánh niệm trong lúc làm việc – Mindfulness
- 7 ưu tiên hàng đầu trong cuộc sống
Nội dung
Thí nghiệm kẹo Marshallow.
Những năm 1960, một giáo sư ở đại học Stanford tên Walter Mischel tiến hành một chuỗi các nghiên cứu tâm lý quan trọng.
- Trong suốt quá trình nghiên cứu, Mischel cùng đồng đội quan sát hàng trăm trẻ em phần lớn ở độ tuổi 4-5 và tiến tới kết luận về một phẩm chất mà ngày nay được coi là một trong những phẩm chất quan trọng nhất của một người thành công về sức khoẻ, công việc và cuộc sống.
Thí nghiệm bắt đầu với việc dẫn từng đứa trẻ vào một căn phòng kín, để chúng ngồi xuống ghế và đặt một chiếc kẹo Marshmallow trên mặt bàn trước mặt các em.
Sau đó, người nghiên cứu đưa ra một lời thách đố cho đứa trẻ.
- Người nghiên cứu nói với đứa trẻ rằng anh ấy sẽ ra khỏi phòng một lúc và nếu đứa trẻ không ăn miếng Marshmallow trong khi anh ấy ra ngoài, em ấy sẽ được thưởng một chiếc kẹo thứ hai.
- Ngược lại, nếu đứa trẻ quyết định ăn chiếc Marshmallow đầu tiên trước khi người nghiên cứu quay về, em ấy sẽ không được cho thêm chiếc kẹo nào hết.
Lựa chọn khá là đơn giản: ăn một chiếc kẹo ngay bây giờ hoặc đợi chờ và được ăn hai chiếc vào lúc sau.
Người của nhóm nghiên cứu rời căn phòng trong 15 phút.
Như bạn có thể tưởng tượng, những tấm băng ghi lại hình ảnh lũ trẻ ngồi chờ một mình trong căn phòng khá là hài hước.
- Một số đứa trẻ nhảy cẫng lên và ăn miếng Marshmallow đầu tiên ngay khi người lớn đóng cửa. Một số em vặn vẹo không yên, nhấp nhổm trên ghế ngồi vì đang cố kìm nén sự thèm thuồng nhưng bỏ cuộc ít phút sau đó.
- Cuối cùng chỉ có một vài em bé có thể đợi hết khoảng thời gian người trong nhóm nghiên cứu đã giao hẹn.
Nhiều năm sau khi những đứa trẻ này trưởng thành, tổ nghiên cứu tiếp tục khảo sát về tình trạng hiện tại của họ.
- Kết quả cho thấy hầu hết những đứa trẻ có thể trì hoãn việc ăn miếng kẹo dẻo năm đó đều có cuộc sống tốt hơn.
- Họ học trường tốt hơn, đạt điểm số cao hơn, có nhũng mối quan hệ chất lượng hơn, thu nhập cao hơn, hạnh phúc và khoẻ mạnh hơn so với số còn lại.
Trì hoãn sự thoả mãn là gì?
Bản chất của khả năng trì hoãn sự thỏa mãn là đánh đổi hạnh phúc nhỏ hiện tại để có niềm hạnh phúc lớn hơn trong tương lai. Và chúng ta rất tệ trong việc làm điều đó.
Chúng ta đang sống trong thế giới mà nợ tiêu dùng và tỷ lệ nghiện ngập tăng vọt, trong khi sức khỏe tinh thần và tỷ lệ thừa cân ngày một trầm trọng. Tất cả những điều này đều là hệ quả khi bạn không thể trì hoãn sự thỏa mãn nhất thời.
Nếu bạn nhìn những gì diễn ra trong cuộc sống hằng ngày, bạn sẽ nhận ra rằng:
- Nếu bạn trì hoãn sự thoả mãn của việc xem tivi để làm bài tập, bạn sẽ học được nhiều hơn và đạt điểm tốt hơn.
- Nếu bạn trì hoãn sự thoả mãn của việc mua đồ ăn vặt ở cửa hàng tạp hoá, khi về nhà bạn sẽ ăn những bữa ăn lành mạnh hơn.
- Nếu bạn trì hoãn sự thoả mãn của việc dừng tập luyện sớm để tập thêm vài hiệp nữa, bạn sẽ khoẻ mạnh hơn.
Thành công thường là kết quả của việc chọn niềm đau của kỷ luật thay vì sự dễ dàng của những điều làm bạn phân tâm. Đó cũng chính là ý nghĩa của việc trì hoãn sự thoả mãn.
Kết quả này dẫn chúng ta đến một câu hỏi khá thú vị: Một số đứa trẻ sinh ra đã có tính kỷ luật, số phận an bài để được thành công hay phải rèn luyện để có được phẩm chất cần thiết này?
Yếu tố quyết định khả năng trì hoãn sự thoả mãn.
Nhóm nghiên cứu của Đại học Rochester thực hiện lại thí nghiệm kẹo Marshmallow với một sự cải biên quan trọng. Trước khi đưa kẹo Marshmallow cho mỗi đứa trẻ, nhóm nghiên cứu chia lũ trẻ thành hai nhóm.
Nhóm thứ nhất được tiếp xúc với một chuỗi những trải nghiệm không đáng tin cậy. Ví dụ, người nghiên cứu đưa cho mỗi em nhỏ một hộp bút màu nhỏ và hứa khi quay lại sẽ đem một hộp màu lớn hơn, nhưng sau đó anh ta đã không làm như đã hứa. Rồi nhóm nghiên cứu lại đưa cho mỗi em một hình dán và hứa quay lại với một tập hình dán đẹp hơn nhưng sau cùng chuyện đó cũng không diễn ra.
Trong khi đó, nhóm thứ hai có những trải nghiệm đáng tin cậy. Lũ trẻ được hứa sẽ được nhận hộp màu lớn hơn và kết quả đúng như lời hứa. Chúng cũng được kể về những hình dán đẹp hơn và kết quả tương tự.
Bạn có thể tưởng tượng ra những trải nghiệm này ảnh hưởng thế nào đến thí nghiệm Marshmallow. Những đứa trẻ trong nhóm trải nghiệm không đáng tin không có lý do gì để tin vào việc người của nhóm nghiên cứu sẽ quay lại với chiếc kẹo thứ hai nên chúng không chờ quá lâu để ăn ngay chiếc kẹo đầu tiên.
Trong khi đó, các em nhóm thứ hai rèn cho bộ não của mình coi việc trì hoãn sự thoả mãn như một điều tích cực. Mỗi lần người trong nhóm nghiên cứu giữ lời hứa, bộ não của đứa trẻ nghĩ đến hai điều:
- Đợi chờ để được thoả mãn rất đáng công sức.
- Mình có khả năng chờ đợi.
Kết quả là nhóm thứ hai đợi được trong khoảng thời gian trung bình dài hơn bốn lần nhóm thứ nhất.
Phương pháp để trì hoãn sự thoả mãn tức thời.
Không phải những sự thoả mãn đều xấu – Tuy nhiên, để có được sự thành công và hạnh phúc lâu dài trong cuộc sống, chúng ta cần lựa chọn những điều có giá trị thật sự cho cuộc sống và cần có trách nhiệm nhiều hơn cho mỗi lựa chọn của bản thân.
Dưới đây, là các phương pháp để giúp bạn có thể nâng cao được sự tự thoả mãn:
1, Hạn chế tiếp xúc với những điều gây phân tâm.
Nếu bạn muốn giảm cân, đừng mua đồ ăn nhanh. Nếu có ai trong nhà bạn mua nó, hãy bảo họ để ra một góc riêng khuất mắt bạn. Cách đơn giản và hiệu quả nhất để cưỡng lại cám dỗ là đừng tạo ra cám dỗ cho mình.
2, Nghĩ về những lợi ích lâu dài.
Khi không thể cưỡng lại sự thỏa mãn tức thời, chúng ta thường chỉ thấy những lợi ích trước mắt mà không để ý tới những gì ta phải đánh đổi về lâu về dài. Một khi nghĩ đến những yếu tố này, khả năng trì hoãn sự thỏa mãn trở nên hiệu quả hơn.
3, Đặt mục tiêu khả thi – có thời gian kết thúc.
Đầu tiên, bạn hãy viết những mong muốn của bạn ra giấy, xác định đâu là điều bạn muốn đạt được; ghi toàn bộ và không bỏ sót bất kỳ thông tin nào.
Một mục tiêu sẽ rời rạc và thiếu thực tế nếu như chúng không có thời gian xác định một cách cụ thể. Bạn cần phải có một khung thời gian cụ thể để thực hiện mục tiêu.
Thời gian cần phải phù hợp với điều kiện hiện tại của bạn thân và nó sẽ hỗ trợ bạn đạt được lợi ích tối ưu nhất.
4, Quản lý cảm xúc – không chối bỏ cảm xúc.
Việc chối bỏ cảm xúc tiêu cực sẽ dẫn đến mong muốn cảm thấy tốt – điều lấn át khả năng ra quyết định sáng suốt của não bộ.
Vì vậy, việc học cách xác định và quản lý cảm xúc sẽ giúp hạn chế sự bốc đồng và những hậu quả nó gây ra.
5, Chọn bạn mà chơi.
Khi tiếp xúc với những người có ý chí cao, khả năng trì hoãn sự thỏa mãn của bạn cũng tăng theo.
Các tín hiệu xã hội là công cụ tuyệt vời giúp bạn làm điều này. Đã có nghiên cứu chỉ ra rằng, chúng ta có xu hướng “bắt chước” hành động của số đông. Khi những người xung quanh xây dựng sức mạnh ý chí, bạn cũng có xu hướng tham gia chung.
Những nghiên cứu trên chỉ ra một điều: nếu bạn muốn thành công ở bất cứ việc gì, bạn cần tạo cho mình tính kỷ luật và bắt tay vào việc thay vì để mình phân tâm và chỉ làm những điều dễ dàng. Thành công ở gần như mọi lĩnh vực đòi hỏi bạn từ bỏ những việc dễ dàng (trì hoãn sự thoả mãn) để thực hiện những điều khó khăn hơn (dấn thân và học từ sai lầm).
Tư tưởng cốt lõi ở đây là ngay cả khi bạn nhận ra mình không giỏi trong việc trì hoãn sự thoả mãn lại, bạn vẫn có thể rèn luyện từ những bước nhỏ nhất. Trong trường hợp các em nhỏ ở nghiên cứu trên, việc này được hiểu là ở trong một môi trường đáng tin cậy nơi nhóm nghiên cứu thực hiện được mọi lời hứa đã hứa với các em.
Người lớn chúng ta cũng có cách để rèn khả năng trì hoãn sự thoả mãn. Bạn có thể làm theo cách của những đứa trẻ và nhóm nghiên cứu trong bài viết: đưa ra những lời hứa và thực hiện chúng. Lặp lại hết lần này đến lần khác cho đến khi bộ não nói rằng: 1) đúng là đợi chờ rất đáng công sức bỏ ra và 2) mình có khả năng làm điều này.